Nước khoáng và nước tinh khiết chọn thứ nào?


Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nước đóng chai hoặc đóng bình. Có loại ghi nước khoáng thiên nhiên, có loại ghi nước tinh khiết... Khác nhau ở chỗ nào và loại nào tốt cho sức khỏe?

Nước khoáng thiên nhiên:

Theo Tổ chức Nông lương Quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới – nước khoáng thiên nhiên phải chứa một lượng khoáng chất hòa tan nhất định ở một tỷ lệ có lợi cho cơ thể. Nước phải được lấy trực tiếp từ nguồn tự nhiên (bằng giếng khoan hoặc từ mạch nước ngầm) và phải được đóng chai tại nguồn, không chế biến và khâu đóng chai phải bảo đảm vô khuẩn.

Việt Nam có khá nhiều mỏ nước khoáng với hàm lượng khoáng cao có lợi cho sức khoẻ (đã được các cơ quan chức năng đánh giá và kiểm nghiệm) như nước khoáng Vĩnh Hảo, Bình Châu…

Khoáng chất bao gồm các oligoelement như bicarbonat calci, carbonat, magné, fluor, iod, kẽm, sắt... và cả những chất khoáng không mong muốn như nitrat, nitrit, amonium. Mỗi loại nước khoáng tự nhiên có hàm lượng khoáng chất khác nhau và để đưa ra thị trường, bắt buộc phải ghi rõ ràng thành phần cũng như hàm lượng trên nhãn hoặc vỏ chai. Nước khoáng giải khát có hàm lượng khoáng chất thấp (vài trăm mg/l), còn loại có hàm lượng khoáng chất trên 1.000 mg/l được xem là nước khoáng trị bệnh.

Nước tinh khiết:

Là nước không có bất kỳ một chất nào khác, dù có lợi hay có hại cho cơ thể, nước tinh khiết phải chưng cất nhiều lần trước khi sử dụng. Thực tế, hầu hết các loại trên thị trường hiện nay không phải là nước tinh khiết mà chỉ là nước uống đóng chai bởi thiết bị công nghệ RO (màng lọc thấm thấu ngược) đạt tiêu chuẩn phải nhập với giá rất cao (khoảng từ 1 tỷ đồng trở lên). Chỉ một số ít các Doanh nghiệp lớn với quy trình kỹ thuật hiện đại, có uy tín trên thị trường cũng như có thị phần lớn (như SAPUWA) mới thực sự có sản phẩm “nước tinh khiết”…

Đa số các cơ sở nhỏ không đủ kinh phí đầu tư nên lọc bằng than hay sỏi rồi đưa qua hệ thống máy UV (dùng tia cực tím và tạo ozone khử trùng) rồi đóng chai đem bán.

Tuy nhiên, dù thiết bị có hiện đại đến đâu nhưng nếu khâu thanh trùng và đóng chai không được quản lý giám sát chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn thì nước vẫn bị nhiễm bẩn. Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai sử dụng lại các bình nhựa PET sau khi súc rửa – khó có thể bảo đảm đó là nước tinh khiết – như họ tự nhận và quảng cáo ì xèo…

Sử dụng nước khoáng, nước tinh khiết... sao cho hợp lý và kinh tế?

Các khoáng chất được bổ sung vào cơ thể bằng đường nước uống sẽ hiệu quả hơn ăn, tuy nhiên, không phải là “cứ uống xả láng – không bổ dọc cũng bỗ ngang”. Nước khoáng trị bệnh khi dùng phải có ý kiến của bác sĩ, bởi nếu uống không đúng cách còn có thể gây bệnh thêm (như người bị sỏi thận calci uống nhiều nước khoáng có hàm lượng calci cao – có thể sẽ nhanh đi tới ngày “bổ ngửa”). Trên thực tế nhiều mẫu nước khoáng có hàm lượng amonium cao gấp nhiều lần cho phép, ngược lại có mẫu chứa hàm lượng khoáng quá thấp cũng không có lợi gì hơn cho sức khỏe. Mỗi ngày, một người bình thường có thể uống 2-4 lít nước, đảm bảo cung cấp đủ một số khoáng chất cần thiết cho cơ thể (có trong thành phần nước bình thường).

Hiện nay khuynh hướng dùng nước tinh khiết trong khi chế biến toàn bộ các thức ăn đồ uống của mình tại các hộ gia đình có chiều hướng gia tăng. Điều này chẳng những gây tốn kém mà còn không có lợi thêm gì cho sức khỏe. Tiến sĩ Trần Hồng Côn (Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội) khuyên: không nên dùng nước tinh khiết quá nhiều hay hoàn toàn trong ăn uống, đặc biệt là đối với nước uống. Việc dùng hoàn toàn hoặc phần lớn nước tinh khiết liên tục một thời gian dài sẽ khiến cơ thể thiếu một số khoáng chất cần thiết, có thể bị mắc các bệnh thiếu vi chất. Ví dụ, thiếu chất cobalt, cơ thể không sản sinh được vitamin B12, thiếu một số chất khác sẽ ảnh hưởng đến cơ chế tạo ra vitamin B1; thiếu kẽm, magné... dẫn đến các bệnh như ngất xỉu, tê dại chân tay, ngứa ngáy... Ở hộ gia đình, việc sử dụng các loại nước đóng chai không cần thiết vì quá đắt mà hiệu quả không hơn gì nước đun sôi để nguội. Cách tốt nhất là dùng nước máy đựng vào vật chứa đậy kín để lắng cặn rồi mới đun sôi để uống (phải đun sôi trong 15 phút).

Nước tinh khiết có thể sử dụng trong các trường hợp đặc biệt, khi cần di chuyển, hội họp, trong các trường hợp đột xuất... Nhìn chung lượng nước tinh khiết không nên chiếm quá 50% nhu cầu nước uống hằng ngày.


Thanh Huy (tổng hợp)
http://thucphamvadoisong.vn
Share this article :